Latest News

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Nếu bạn muốn khởi nghiệp - hãy làm ngay! Đừng tìm kiếm sự hoàn hảo.

Theo thăm dò gần đây thì tỉ lệ sinh viên Việt Nam mong muốn sau khi ra trường được làm việc cho một công ty lớn hoặc cơ quan nhà nước chiếm gần như tuyệt đối. Vì sao lại như vậy?



lop day khoi nghiep


 Ảnh: TRƯỜNG TRUNG


Tiến sĩ Jaime Amsel, người có hơn 30 năm kinh nghiệm về tư vấn quản lý phát triển tổ chức và thay đổi ở Israel - đưa ra lời khuyên với các học viên tham gia khóa học Vườn ươm khởi nghiệp do Đại sứ quán Israel tại VN và UBND TP Đà Nẵng tổ chức mới đây.

Ông cho biết thanh niên các quốc gia mà ông có dịp lui tới đều cho rằng điều kiện khởi nghiệp của họ không tốt như thanh niên ở Israel nên rất khó thành công. “Tôi nói với họ, người khởi nghiệp không giống như người gieo hạt, chờ thời tiết đẹp của mùa xuân mới vun trồng, chăm bón” - Tiến sĩ Jaime Amsel cho biết.

* Rất ít sinh viên ra trường tự tạo ra việc cho chính mình (khởi nghiệp) và cho người khác. Ông nghĩ như thế nào về điều này?


- Tôi được nhiều người chia sẻ ở VN tỉ lệ sinh viên mong muốn được “đầu quân” cho một công ty lớn hoặc cơ quan nhà nước chiếm gần như tuyệt đối.
Tôi nghĩ đây là điều tự nhiên, rất bình thường với mọi quốc gia. Việc “đầu quân” để học hỏi kinh nghiệm là điều rất tốt, như việc thực hiện châm ngôn “đứng trên vai người khổng lồ” là cách mà nhiều người chọn.
Ở Israel cũng có suy nghĩ như vậy, tuy nhiên tỉ lệ “chọn lối đi riêng” là tương đối cao hơn so với ở VN. Nếu ở VN có thể biến con số này từ 1% lên tới 3-4% thì môi trường khởi nghiệp sẽ rất sôi động. Tất nhiên điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó một phần đến từ chính sách của mỗi quốc gia.
Chính phủ Israel không chỉ đạo hay hướng dẫn mà chỉ tạo điều kiện hết mức có thể thông qua các nguồn ngân sách cấp cho các quỹ nghiên cứu, quỹ đầu tư mạo hiểm để phát triển doanh nghiệp. Thông thường đối với một dự án tốt, nhóm khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn khoảng 20% định giá dự án, 80% còn lại họ phải “tự bơi” đi tìm để hoàn thành.
Với chính sách khởi nghiệp như thế này thì khi thất bại, nhà nước chịu lỗ đầu tiên, nhưng khi thành công thì doanh nghiệp hưởng lợi trước. Bằng cách này, chúng tôi cho rằng chính quyền đã có sự chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nhân.

* Nói như vậy nhưng trong bài giảng của mình, ông vẫn cho rằng chính sách nhà nước không tạo nên nhiều khác biệt trong khởi nghiệp?


- Đúng vậy! Điều này tôi cũng đã nhiều lần trao đổi với các bạn trẻ. Năng lực của chính quyền hay văn hóa riêng của quốc gia cũng không phải là rào cản đáng ngại quyết định đến việc khởi nghiệp. Điều quan trọng là các bạn phải luôn nhìn ra cơ hội trong thách thức.
Ví dụ trong vấn đề văn hóa, bạn có tận dụng được các ưu thế riêng của quốc gia để tạo ra sự khác biệt trong kinh doanh hay không. Ví dụ ở Israel, việc đi nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với nam (3 năm) và nữ (2 năm).
Mọi người đều cho rằng việc học sẽ bị gián đoạn, khởi nghiệp cũng sẽ chậm trễ. Điều này chỉ đúng một phần bởi thời gian phục vụ quân ngũ, mọi người được rèn luyện bản lĩnh, năng lực và tự tin đối diện thách thức.
Đặc biệt, họ học được kỹ năng quan trọng nhất để khởi nghiệp là làm việc nhóm, đồng thời có cơ hội tham gia các dự án trong quân đội.
Trong quân ngũ nước tôi cũng có đơn vị 8200-81 chuyên đào tạo và phát triển các dự án khoa học, kỹ thuật mà hầu hết người tham gia là những người rất trẻ. Các kết quả xét tuyển vào đại học được bảo lưu tới 7 năm cũng tạo điều kiện cho sinh viên có thể tìm hiểu thế giới và có thêm cơ hội trải nghiệm khởi nghiệp.

* Có sự khác nhau nào trong khái niệm khởi nghiệp ở “quốc gia khởi nghiệp” và những quốc gia khác mà ông có dịp tới?


- Chúng đều là bắt đầu ý tưởng kinh doanh và biến chúng thành hiện thực. Về cơ bản, tôi cho rằng không có sự khác nhau về khởi nghiệp dù ở nơi này hay nơi khác. Mỗi người, mỗi quốc gia đều có những điều kiện hoàn cảnh nhất định để kinh doanh.
Bắt đầu bằng một ý tưởng đơn giản nhất trong cuộc sống nghĩa là bạn đã khởi nghiệp. Ví dụ như đưa ra một loại thẻ nào nhỏ gọn có thể lưu trữ được nhiều dung lượng và biến nó thành hiện thực là bạn đã khởi nghiệp thành công. 


* Ông nhìn thấy những cơ hội khởi nghiệp nào ở các quốc gia đang phát triển khác?


- Có nhiều chứ! Trong một thế giới phẳng như hiện nay thì cơ hội bứt phá nhiều vô cùng. Các nước đi sau luôn có cơ hội để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tốt hơn những nước đi trước.
So với nước tôi, các bạn có những sự khác biệt như lợi thế về tài nguyên và thị trường. Ở nước chúng tôi, có nhiều công ty vì không có thị trường nên không thể đi đến cùng mà chỉ chuyên xây dựng ý tưởng rồi bán “lúa non” cho các tập đoàn lớn.

* Ông có lời khuyên như thế nào về sự than phiền của nhiều người rằng họ có ý tưởng tốt, muốn khởi nghiệp nhưng… không có tiền?

- Vậy thì hãy đi tìm tiền! Không có sự thành công nào đến với người ngồi chờ nó. Người làm khởi nghiệp không được chờ “thời tiết” giống như người gieo hạt chờ mùa xuân.
Trong khởi nghiệp không có chu kỳ nào thuận lợi cả mà đó là công việc không chờ điều kiện tới. Người khởi nghiệp phải tự tạo ra các điều kiện cho mình và đối diện với thách thức.
Nếu bạn chờ thời tiết đẹp để đi gieo hạt thì nhiều người cũng sẽ làm như bạn; bạn không có sự đổi mới, khác biệt nào cả.
Trong khởi nghiệp, sự thành công đến trái mùa, bạn có lối đi riêng thì cơ hội càng lớn. Người khởi nghiệp phải luôn chấp nhận đối diện thách thức để tạo ra cơ hội cho mình.

Trường Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Recent Post