Latest News

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Khung pháp lý của thị trường chứng khoán phái sinh

Bài viết dưới đây sẽ có cái nhìn khái quát về khung pháp lý của thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam hiện nay.


Những năm gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam biến động khá thất thường, một trong những giải pháp đưa ra là sử dụng các công cụ tài chính phái sinh giúp đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro ngày càng cao của các nhà đầu tư. Nghị định 42/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc phát triển Thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam góp phần giải quyết những nhu cầu từ thực tiễn, giúp thị trường chứng khoán phát triển ngày càng vững mạnh.

Nhu cầu từ thực tiễn

Tại Việt Nam, các công cụ phái sinh có nguồn gốc từ tiền tệ, hàng hóa đã được sử dụng từ nhiều năm nay. Về phái sinh hàng hóa, trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột đã được thành lập năm 2006 với chức năng chính là tổ chức việc mua bán các loại cà phê sản xuất tại Việt Nam theo phương thức giao ngay và giao sau (giao dịch kỳ hạn). Đến nay thì việc sử dụng các công cụ phái sinh tiền tệ đã được mở rộng cho nhiều ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, với đa dạng các công cụ như: hoán đổi, quyền chọn, các sản phẩm kỳ hạn…
Về lĩnh vực chứng khoán, thị trường cổ phiếu dù đã được 12 năm nhưng thực tế mới chỉ phát triển trong 5 – 6 năm trở lại đây. Trên thị trường, một số công cụ phái sinh đơn giản cũng bước đầu được sử dụng không chính thống (như quyền mua chứng khoán, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn…) trong giai đoạn thị trường tăng trưởng nhanh 2007 – 2008 với vai trò một công cụ đầu tư mới nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư sinh lợi là chủ yếu. Chỉ khi thị trường rơi vào giai đoạn suy giảm sâu và kéo dài do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu 2011, các sản phẩm phái sinh lại được sử dụng lại nhiều hơn trong vai trò một công cụ phòng vệ rủi ro hiệu quả. Tuy nhiên, do khung pháp lý hiện hành (Luật Chứng khoán và nghị định hướng dẫn) chưa có quy định cụ thể nên việc giao dịch các chứng khoán phái sinh bị coi là trái các quy định của pháp luật.
Dù vậy, thực tiễn đã chứng minh một điều là nhu cầu giao dịch các chứng khoán phái sinh là có thực. Sau quá trình 12 năm hình thành và phát triển, bên cạnh các “sản phẩm truyền thống” như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… đã đến lúc thị trường cần mở rộng thêm các sản phẩm mới, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn như các chứng khoán phái sinh.

Khung pháp lý của thị trường chứng khoán phái sinh

Khung pháp lý cho TTCK phái sinh hoạt động, vừa chính thức định hình khi Chính phủ ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, không chỉ giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn, mà còn giúp TTCK phát triển theo chiều sâu.
Theo đó, khi triển khai TTCK phái sinh, trước mắt sẽ đưa vào giao dịch các chứng khoán phái sinh đã được chuẩn hóa để niêm yết, các sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng với mục đích phòng ngừa rủi ro là chính như: hợp đồng tương lai chỉ số, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu; hợp đồng tương lai trái phiếu, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu. Việc triển khai các chứng khoán phái sinh niêm yết khác dựa trên chứng khoán, sẽ được Bộ Tài chính hướng dẫn theo lộ trình tại Đề án phát triển TTCK phái sinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định 366/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014. Để tạo sự linh hoạt trong phát triển các sản phẩm mới cho TTCK phái sinh theo nguyên tắc thận trọng, Nghị định về TTCK phái sinh xác định rõ nguyên tắc: Tùy thuộc vào trình độ phát triển của TTCK, cũng như nhu cầu của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc triển khai các sản phẩm mới, dựa trên các tài sản cơ sở khác phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo thông lệ quốc tế, trên TTCK phái sinh tập trung do Sở Giao dịch chứng khoán đứng ra tổ chức có 3 loại sản phẩm phái sinh chủ yếu được giao dịch gồm: hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn và một số hợp đồng kỳ hạn trên trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc nhà nước. Trên TTCK phái sinh phi tập trung (thị trường OTC) cũng có 3 loại phái sinh chủ yếu là: hợp đồng quyền chọn không niêm yết, hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng hoán đổi.
Nếu như TTCK cơ sở (thị trường hiện tại) giúp nhà đầu tư kiếm lợi nhuận, thì với chức năng chính là phòng ngừa rủi ro, TTCK phái sinh chủ yếu sẽ hỗ trợ nhà đầu tư bảo vệ những lợi nhuận đã kiếm được. Các chứng khoán phái sinh, tuy được sử dụng để phòng ngừa rủi ro, nhưng bản thân chúng lại tiềm ẩn rủi ro nếu nhà đầu tư không quản lý tốt các hoạt động đầu tư. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, các thành viên tham gia thị trường, nhất là các đơn vị trung gian cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho thị trường như công ty chứng khoán, phải đáp ứng các chuẩn rất cao về vốn, công nghệ, quản trị rủi ro, đội ngũ nhân sự…
Theo Quyết định 366/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì hết năm 2015 sẽ tập trung xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện hạ tầng công nghệ giao dịch, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh… để giai đoạn 2016-2020 đưa TTCK phái sinh vào vận hành. Để đưa TTCK phái sinh vào vận hành, một khối lượng công việc rất lớn đang đặt ra: xây dựng hệ thống công nghệ giao dịch, thanh toán, bù trừ, đến đào tạo nhân sự, xây dựng hệ thống quy trình, quy chế, đảm bảo vận hành TTCK phái sinh hiệu quả trong thời gian tới. Là thị trường đi sau, yêu cầu rất quan trọng đặt ra đối với tổ chức vận hành TTCK phái sinh tại Việt Nam là không lặp lại những bài học thất bại trong quản lý TTCK phái sinh đã từng xảy ra ở các quốc gia.

Tiềm năng và thách thức cho sự phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam

Thực tiễn cho thấy, giao dịch phái sinh hàng hóa và tiền tệ tại Việt Nam đã ra đời từ lâu và có những bước phát triển nhất định. Đã cho thấy nhu cầu của nhà đầu tư và sự ra đời của TTCK phái sinh chính thức là thiết yếu đối với sự phát triển chung của TTCK.
Quy mô TTCK Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới. So với giá trị vốn hóa toàn thế giới, thị trường Việt Nam chỉ tương đương 0,09%. Quy mô thị trường vốn so với nền kinh tế của Việt Nam cũng nằm trong nhóm thấp nhất, với tỷ số thị trường vốn so với GDP đạt 33,7%. Với quy mô nhỏ bé, sự quan tâm và tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài còn khá hạn chế. Theo thống kê, giá trị giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong 12 tháng qua chiếm khoảng 14,5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Ngoài những thách thức về việc xây dựng hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng cho tổ chức và hoạt động của TTCK phái sinh, vấn đề về thanh khoản cũng là một thách thức lớn khi thị trường chính thức được vận hành. Đối với một TTCK có quy mô còn nhỏ bé và mức độ tham gia của các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn khá khiêm tốn, việc thu hút được các nhà đầu tư tham gia trong giai đoạn đầu sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của TTCK phái sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Recent Post